Tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là hành trình trở về quá khứ, nơi du khách có thể chiêm ngưỡng những hiện vật sống động và khám phá những câu chuyện lịch sử oai hùng của dân tộc. Với không gian trưng bày được thiết kế công phu và công nghệ hiện đại, bảo tàng mang đến trải nghiệm đầy cảm xúc, giúp người tham quan hiểu sâu sắc hơn về những cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đôi nét về bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
- Địa chỉ: CT03, Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Giá vé vào cổng: Miễn phí đến hết tháng 12/2024
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam do Bộ Quốc phòng triển khai xây dựng từ năm 2019, tọa lạc trên địa bàn hai phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, với diện tích tổng cộng 386.600m2. Nơi đây hiện đang lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia cùng nhiều hiện vật giá trị.
Bảo tàng mới được thiết kế theo phong cách hiện đại, đa chức năng, không chỉ là nơi trưng bày về lịch sử quân sự mà còn là không gian tương tác, trải nghiệm trực quan về hành trình đấu tranh giành độc lập của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Điểm nhấn đặc biệt của bảo tàng là sự áp dụng các phương pháp trưng bày tiên tiến, bao gồm công nghệ sa bàn 3D mapping, màn hình tra cứu thông tin, hệ thống media tư liệu ảnh, thuyết minh tự động audioguide và mã QR để tra cứu thông tin hiện vật. Hơn 60 video giới thiệu về những chiến dịch, trận đánh và các nhân vật lịch sử cũng được tích hợp, mang lại trải nghiệm sống động cho du khách.
Bảo tàng hiện đã hoàn thiện giai đoạn 1, và đang trong quá trình tiếp nhận ý kiến đóng góp từ các chuyên gia và nhà khoa học để hoàn thiện phần trưng bày trước khi chính thức mở cửa vào ngày 1/11/2024. Công trình nổi bật với sân trước rộng rãi và tòa tháp Chiến thắng cao 45m. Khu bảo tàng gồm 4 tầng nổi và 1 tầng trệt, diện tích xây dựng 23.198m2, tổng diện tích sàn là 64.640m2 với chiều cao tổng cộng 35,8m.
Cách di chuyển đến bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam
Bảo tàng tọa lạc tại Km6+500 trên Đại lộ Thăng Long (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Du khách có thể dễ dàng đến đây bằng nhiều phương tiện khác nhau. Nếu đi bằng xe buýt, các tuyến 71, 74 và 107 sẽ có điểm dừng gần cổng bảo tàng, thuận tiện cho việc di chuyển từ hướng Đại lộ Thăng Long.
Đối với những người sử dụng phương tiện cá nhân, thời gian di chuyển dọc theo Đại lộ Thăng Long mất khoảng 30 phút. Khu vực đỗ xe được bố trí ở phía bên trái bảo tàng (hướng từ Đại lộ Thăng Long đi vào), có không gian rộng rãi. Giá vé gửi xe hiện tại là 3.000 đồng cho xe máy và 20.000 đồng cho ô tô, nhưng hiện nay đang được miễn phí.
Bên trong bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam có gì?
Các không gian trưng bày được phân chia rõ ràng
Hai bên cánh của bảo tàng là khu vực trưng bày ngoài trời. Ở phía trái, các hiện vật gồm vũ khí, trang bị mà Quân đội và nhân dân Việt Nam đã sử dụng trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, cũng như trong giai đoạn huấn luyện và bảo vệ đất nước. Nổi bật trong số đó là pháo 85mm, pháo cao xạ 57mm, xe tăng PT67 số hiệu 555, máy bay MiG 17 số hiệu 2047, và máy bay SU22.
Bên phải của bảo tàng trưng bày các loại vũ khí, trang bị mà quân đội Pháp và Mỹ đã dùng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đáng chú ý là pháo tự hành M-107 với cỡ nòng 175mm, được mệnh danh "Vua Chiến trường", cùng nhiều máy bay do quân đội Mỹ để lại như A37, F5E, CH47, C130, và hàng chục loại bom từng được sử dụng trong cuộc chiến.
Giữa không gian hai bên cánh là khối biểu tượng hòa bình với hình ảnh cành cây, mầm xanh và chim bồ câu cất cánh từ xác máy bay, thể hiện khát vọng hòa bình của Việt Nam. Khu vực này chứa quả địa cầu và các tấm gương phản chiếu lịch sử dựng nước và giữ nước từ thời Hùng Vương - An Dương Vương đến thế kỷ XX. Qua đó, bảo tàng khẳng định mong muốn hòa bình muôn đời của dân tộc Việt Nam, cũng như sự sẵn sàng hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do và hạnh phúc cho nhân dân.
Không gian trưng bày bên trong bảo tàng tại tầng 1 được chia làm 6 chủ đề
Chủ đề 1: Buổi đầu dựng nước và giữ nước
Chủ đề 2: Bảo vệ nền độc lập từ năm 939 đến năm 1858
Chủ đề 3: Chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc năm 1858 đến năm 1945
Chủ đề 4: Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, năm 1945 - 1954
Chủ đề 5: Cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1954 đến 1975
Chủ đề 6: Xây dựng và bảo vệ đất nước từ 1976 đến ngày nay.
Các chủ đề được sắp xếp theo thứ tự thời gian và bố trí một cách hợp lý, mỗi hiện vật đều có chú thích chi tiết kèm thông tin liên quan đến sự kiện. Ngoài ra, bảo tàng còn sử dụng nhiều hình thức trưng bày đa dạng như văn bản, màn hình tra cứu thông tin, tư liệu hình ảnh, hệ thống thuyết minh tự động audioguide và mã QR để tra cứu thông tin hiện vật và hình ảnh.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ vật, mà còn là biểu tượng của tinh thần bất khuất và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Trải nghiệm này chắc chắn để lại ấn tượng sâu đậm và truyền cảm hứng về tình yêu nước và lòng tự hào dân tộc.