Vì sao cần mua bảo hiểm hàng không?
Không chỉ phòng ngừa cho những tình huống như tai nạn hay khủng bố mà bảo hiểm còn giúp bạn có thể tránh hoặc giảm thiểu được những tổn thất về mặt tài chính đáng kể cho những tình huống không dự đoán trước được. Tuy nhiên, đây là loại phí không được hoàn lại nên cần phải tìm hiểu kỹ để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.
Hầu hết các hãng hàng không đều có ký kết với các đơn vị bảo hiểm và tính phí bảo hiểm vào giá trị vé của hành khách. Tuy nhiên, mức độ bồi thường của sản phẩm bảo hiểm này thường chỉ giới hạn ở một số trường hợp như tai nạn máy bay, vali hành lý bị thất lạc, hủy chuyến bay do hãng hàng không… trong khi cũng có một số hãng hàng không yêu cầu khách mua gói bảo hiểm riêng khi đặt vé máy bay qua website.
Bảo hiểm hàng không có những lợi ích rất lớn
Tất nhiên trong hầu hết các trường hợp xảy ra thì loại bảo hiểm này chỉ bồi hoàn cho khách khi nguyên nhân sự cố hoàn toàn do lỗi nhà vận chuyển và đối tượng được xác định hưởng bồi hoàn trong phạm vi rất hẹp. Trên thực tế, khi rơi vào sự cố thì mức độ thiệt hại của hành khách đôi khi lớn hơn rất nhiều.
Vì vậy, giải pháp tối ưu được lựa chọn là hành khách sẽ mua thêm các gói sản phẩm bảo hiểm liên quan đến chuyến đi để có được trạng thái an toàn và an tâm hơn. Chi phí có thể chiếm từ 5 – 10% giá vé tùy theo mức độ lựa chọn bồi hoàn được giới thiệu từ nhà cung cấp.
Đôi khi, hành khách bị bối rối trước quá nhiều lời chào mời của các công ty hay đơn vị cung cấp bảo hiểm. Vì vậy, trước khi quyết định chọn mua sự đảm bảo cho chuyến đi của mình, bạn phải nghiên cứu kỹ các điều khoản bồi thường của mỗi loại sản phẩm được giới thiệu, bởi yếu tố quyết định mức độ bồi hoàn không nằm ở số tiền mà bạn phải trả mà chính là ở những câu chữ trong điều khoản mà họ đưa ra.
Nghiên cứu kỹ loại bảo hiểm hàng không trước khi mua
Đối với đối tượng là khách hàng khoang hạng thương gia thì việc tham gia bảo hiểm khi di chuyển sẽ giúp bạn giảm thiểu được nhiều sự mất mát, thiệt hại to lớn khi tần suất bay nhiều, giá vé cao và tầm quan trọng của những chuyến đi.
Có ba lý do để bạn nên mua bảo hiểm khi bay ở hạng thương gia: Được bồi hoàn phí cho việc chăm sóc y tế hoặc phải đi cấp cứu khi mà loại hình bảo hiểm sức khỏe theo vé không thanh toán, được bồi hoàn phí vì thay đổi kế hoạch bay, như là việc cần thiết phải hủy chuyến bay vì bệnh tật hay lỡ chuyến và được trả phí thay thế đối với những hành lý bị mất, sự phá sản của nhà vận chuyển, cũng như nhiều tình huống không mong chờ khác có thể xảy ra.
Khi nào bảo hiểm hàng không có hiệu lực?
Có rất nhiều hình thức bảo hiểm di chuyển dành cho khách hàng hạng thương gia và những hạng phổ thông khác. Hình thức bảo hiểm và những mức độ bồi hoàn đi kèm tùy thuộc vào chính sách của các công ty bảo hiểm khác nhau. Tuy nhiên một số trường hợp bạn có thể được bồi thường phổ biến như:
Hủy chuyến bay: Đây là loại thông dụng nhất và quan trọng nhất. Nếu chuyến bay bị hủy hoặc bị đứt đoạn vì những nguyên nhân do nhà vận chuyển thì hãng hàng không sẽ bồi hoàn tiền vé cho khách hàng, nhưng nếu là do lỗi của khách hàng thì đơn vị cung cấp bảo hiểm sẽ đền bù số tiền không được hoàn trả từ hãng hàng không hoặc tiền đặt cọc của khách hàng.
Trong những trường hợp nào thì bảo hiểm hàng không có hiệu lực?
Một lời khuyên dành cho hành khách hạng thương gia trên các chuyến bay là hãy trả phí bảo hiểm cho dịch vụ này khi bạn phải tốn chi phí khá cao cho tiền vé, nhưng sẽ không được hãng hàng không bồi hoàn trong trường hợp vì lý do công việc, bệnh tật hay giao thông mà bạn không thể thực hiện được chuyến bay.
Chậm chuyến bay: Khi chuyến bay bị hoãn, bảo hiểm sẽ bồi hoàn những chi phí phát sinh trong thời gian chờ chuyến bay như ăn uống, phòng nghỉ khách sạn hay di chuyển…
Tai nạn/bệnh tật: Trong suốt quá trình vận chuyển, nếu hành khách bị thương hoặc bị bệnh, bảo hiểm sẽ chịu những chi phí phải trả.
Cấp cứu: Trong quá trình di chuyển nếu hành khách phải cấp cứu tại một bệnh viện hay cơ sở y tế, bảo hiểm sẽ chịu toàn bộ chi phí. Đây là một sản phẩm dịch vụ quan trọng, cần phải có, đặc biệt là khi bạn bay ra nước ngoài.
Bạn sẽ thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều nếu không may bạn bị bệnh phải sử dụng những dịch vụ y tế tại quốc gia mà bạn đang công tác hoặc đi du lịch, đặc biệt là những quốc gia có sự yêu cầu người sử dụng dịch vụ phải trả những chi phí điều trị rất cao.
Vali ký gửi hay vật dụng cá nhân bị thất lạc hoặc bị trễ: Bảo hiểm sẽ chi trả cho những thiệt hại về hành lý thất lạc, hư hỏng hay chậm đến trong suốt chuyến đi. Hãng hàng không chỉ bồi hoàn thất lạc đối với vali ký gửi trong chuyến bay.
Vali ký gửi được bảo hiểm hàng không đền bù nếu bị thất lạc
Vì vậy khi có sự cố thất lạc hay chậm trễ hành lý, bạn hãy liệt kê nội dung hành lý của mình, những vật dụng gì bạn cần phải sử dụng trong thời gian bị chậm hành lý… cho nhà cung cấp bảo hiểm.
Nhà vận chuyển phá sản: nếu tiền đặt cọc hay tiền vé bị mất vì nhà vận chuyển phá sản thì bảo hiểm sẽ hoàn trả đầy đủ cho khách hàng. Đây là lợi thế nổi bật khi bạn chọn mua bảo hiểm hàng không từ một công ty bảo hiểm độc lập.
Bởi nếu bạn chọn mua sản phẩm từ một đơn vị bảo hiểm trực thuộc các hãng hàng không thì khi xảy ra sự cố tài chính, nguy cơ bạn không nhận được tiền bồi hoàn từ họ là rất cao.
Một điểm lưu ý dành cho khách hàng khi chọn mua gói bảo hiểm hàng không trước mỗi chuyến bay là phải tìm hiểu kỹ phạm vi bồi hoàn của nhà cung cấp đặc biệt là đối với loại hình bảo hiểm y tế.
Đa phần các công ty bảo hiểm đều thông báo khả năng đáp ứng dịch vụ, bồi hoàn trên phạm vi toàn cầu nhưng cũng có một số công ty chỉ đáp ứng được tại một số quốc gia nhất định.
Tóm lại phải xem thật kỹ chính sách của loại bảo hiểm du lịch bằng máy bay
Chính mức độ phức tạp của loại hình bảo hiểm này mà hiện tại Việt Nam có rất ít các nhà bảo hiểm tham gia thị phần bảo hiểm hàng không. Để có thể chọn được cho mình những sản phẩm bảo hiểm tin cậy cho chuyến bay, hành khách có thể tham khảo các loại hình sản phẩm được cung cấp bởi các công ty bảo hiểm tại thị trường Việt Nam hiện nay như: Công ty Bảo hiểm hàng không (VNI, trực thuộc Vietnam Airlines), Công ty Bảo hiểm HSBC, Công ty Bảo hiểm AIG, Công ty Bảo hiểm Bảo Minh, Công ty Bảo hiểm PVI và Công ty Bảo hiểm BCI (thuộc Ngân hàng BIDV)…
Nếu vẫn còn phân vân trước việc lựa chọn loại bảo hiểm hàng không cũng như nhà cung cấp, thì cách tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến của nhân viên bán vé của hãng hàng không để có thể chọn được những loại hình sản phẩm bảo hiểm phù hợp với chuyến đi từ những nhà cung cấp đáng tin cậy.